Tin tức

Giữ cho nụ cười xinh

nha khoa viet anh
Giữ cho nụ cười xinh

Không phải chỉ có giai nhân mới biết bảo vệ hàm răng. Các chuyên viên y tế đã khuyên nam, phụ, lão, ấu… đều cần phải bảo vệ răng để nụ cười luôn tươi tắn.

Sau đây là 10 cách chắc chắn nhất để bạn có được một hàm răng khỏe và đẹp:
1. Đánh răng kỹ và đúng cách:

Đặt đầu của bàn chải đánh răng một góc 45 độ với nướu răng của bạn và kéo lên kéo xuống nhiều lần. Đừng mạnh quá, ngắn gọn thôi, nhưng phải thay đổi tay thì tất cả răng mới được đánh sạch. Phải đánh răng trong 3 phút mới tốt, khoảng thời gian một bản nhạc bạn nghe trên radio.

2. Cẩn thận với các thực phẩm có thể làm nứt răng:

Nhân của popcorn, kẹo đóng băng và các loại thực phẩm quá cứng hoặc đông đá,… là những món có thể làm rạn bề mặt của răng. Cũng đừng dùng nước uống có carbonic acid, vì chất này về sau có thể bào mòn men răng. Uống cà phê và trà nhiều cũng có thể làm ố răng.

3. Dùng chỉ nha khoa đánh răng:

Nếu bạn dùng chỉ đánh răng thỉnh thoảng (floss) hay không bao giờ dùng đến chỉ nha khoa để làm sạch răng thì bạn đã không đụng tới 30% bề mặt của từng cái răng, lâu ngày chất bẩn có thể đóng thành bợn (tartar) rất cứng, sẽ có hại cho chân răng. Bạn nên dùng chỉ đánh răng mỗi ngày 2 lần đều đặn, và phải làm nhẹ nhàng.

4. Răng chỉ dùng để ăn, chứ không dùng… khui nắp bia:

Răng không phải là đồ dùng cho bạn làm đủ trò trong nhà bếp hay nơi phòng ngủ. Bạn mà dùng răng để xé một cái bao thật dai, cắn bể hạt dẻ, nhai nát đầu cây viết vì tìm ý không ra cho một bài luận… thì chẳng bao lâu lớp men răng sẽ bị rạn và một lô rắc rối sẽ đi kèm như lớp chì trám răng bị sụt sịt, cái niền răng sẽ bị lỏng ra.

5. Đừng hút thuốc:

Michael K. McGuire, bác sĩ nha khoa, cựu Chủ tịch "The American Academy of Periodontology", cho biết: "Những người hút thuốc có khả năng mắc bệnh về lợi (gum disease) cao gấp 4 lần những người không hút". Hút thuốc chắc chắn sẽ làm vàng răng hay ố răng, đó là chưa kể lưỡi dao của bệnh ung thư miệng treo lơ lửng trên đầu!

6. Đừng nghiến răng:

Ban đêm khi ngủ mà bạn nghiến răng kèn kẹt như cái võng tre bên hè (bệnh này gọi là chứng bruxism), có thể làm cho lợi bị tuột xuống và tăng khả năng về các chứng bệnh xung quanh răng (periodontal disease), đó là ý kiến bác sĩ McGuire. Người nghiến răng thì ít khi biết là mình làm như thế. Nếu sáng thức giấc mà thấy đau cổ, đau hàm răng và nhức đầu thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hiện có nhiều dụng cụ chữa nghiến răng bằng plastic để bạn tham khảo.

7. Coi chừng hiệu ứng phụ của thuốc (side effects):

Có trên 400 món thuốc có thể hại đến sức khỏe răng của bạn. Ví dụ các loại thuốc dùng để trị các chứng bệnh như: trầm uất, allergies, và lo lắng có thể làm lượng nước bọt tiết ra giảm đi, khiến khả năng giội rửa vi khuẩn có hại của miệng bị hạn chế nhiều. Nếu bạn có uống thuốc, nên báo cho nha sĩ biết để nha sĩ có thể cho bạn một loại thuốc súc miệng có hàm lượng fluoride cao hay một loại gel tăng cường sức khỏe răng.

8. Đừng coi thường các vấn đề của bao tử:

Bệnh đau bao tử mà không trị có thể gây tác hại lên răng lợi, gây ra các chứng về bệnh xung quanh răng và ngay cả việc rụng răng. Ví dụ: chứng sình bụng (gastrointestinal reflux syndrome) có thể khiến acid trong bao tử di chuyển ngược trở lên miệng làm mòn lớp men răng hay có thể mang các vi khuẩn hại răng lên miệng.

9. Coi chừng các môn thể thao mạnh bạo:

Nếu bạn lần đầu tập các môn thể thao như: boxing, american football, rugby… thì nên mang bộ phận bảo vệ răng, nhất là khi bạn đang mang bộ phận niềng răng.

10. Đi nha sĩ một năm 2 lần:

Thường người ta dễ quên vì thấy răng… không nhúc nhích, cục cựa gì hết. Nhưng bác sĩ nha khoa Phillip Allison nói các chứng bệnh về răng "thường ra tay trong im lặng", không gây đau đớn gì hết và từ từ… nặng thêm. Bạn nên đi tẩy răng và để nha sĩ khám răng bạn mỗi năm 2 lần.

Như ông bà người Việt chúng ta nói, cái răng cái tóc là gốc con người, và hy vọng rằng với 10 ý kiến trên, chúng ta sẽ lo tận "gốc" của đời sống của mình.

Nguồn: Theo xinhxinh


Lượt truy cập: 612.991